Hiến pháp 1946 từng được viết bởi những trí thức có tinh thần pháp quyền và bác ái, tự do. Cho dù nó được quyết định bởi một quốc hội được bầu lên trong cuộc tổng tuyển cử do Việt Minh kiểm soát, Hiến pháp 1946 đã được thông qua bởi những người yêu nước và khát khao độc lập, tự do.
Tuy chưa được công bố chính thức do chiến tranh nhưng Hiến pháp 1946 đã có hiệu lực trên thực tế. Hồ Chí Minh đóng một vai trò quan trọng trong Hiến pháp 1946, nhưng chính ông, sau khi đi dự Hội nghị 81 đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế từ Mascova trở về, đã phế bỏ bản hiến pháp dân chủ này để thay thế bằng Hiến pháp 1959.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc, Hiến pháp 1959 được dịch ra từ Hiến pháp Liên Xô nhưng qua bản tiếng Trung nên nhiều định chế nhà nước đã được copy một cách vội vã và không chính xác. Hiến pháp 1980 cũng copy từ hiến pháp của các nước cộng sản Đông Âu, áp dụng nguyên si những định chế mà ngay sau đó đã bị các nước này bãi bỏ. Không nên sợ hãi trước những mô hình nhà nước đã được áp dụng thành công. “Nhập khẩu” mô hình chính trị đã là truyền thống mà Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ năm 1959.
Một chế độ toàn trị thường đi đến sụp đổ hoặc tiếp tục tồn tại bằng cách siết chặt dân chủ, tự do. Quá trình này càng kéo dài bao nhiêu thì càng hủy hoại các nguồn lực và giá trị quốc gia tới đó. Sự sụp đổ hay sự ngắc ngoải của chế độ đều trút hậu quả lên đầu thường dân. Chủ động cải cách để từng bước trao mọi quyền lực cho nhân dân không chỉ là lối thoát của Việt Nam mà còn là cánh cửa để Đảng thoát ra trong danh dự.
Nguồn: FB Osin Huy Đức, copy lại từ Anh Ba Sàm
No comments:
Post a Comment