Trang

Tuesday, April 8, 2014

Vũ Cao Đàm viết về não trạng nô lệ trong chính sách khoa học và giáo dục VN

Nhân vụ tước bằng thạc sĩ của Nhã Thuyên

Vũ Cao Đàm

Cần sớm xóa bỏ tư tưởng nô lệ trong chính sách khoa học và giáo dục ở nước ta
Nguồn: http://www.boxitvn.net/bai/24932
Vài lời phi lộ
Bài này đã được gửi để đăng trong một tạp chí “lề phải”, nhưng các vị trong Ban biên tập, tuy với tôi là chỗ thân tình, vẫn phân vân và có chút e ngại không muốn đăng, tuy nhiên, các vị cứ lờ tịt không “nỡ” nói lời từ chối.
Tôi quyết định gửi anh Huệ Chi, vì tôi biết anh luôn chia sẻ những ý kiến xây dựng thẳng thắn nhằm hình thành những chính sách đúng đắn cho sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục nước nhà.
Tác giả

Tính đến nay, nước ta đã giành được độc lập được gần 70 năm. Các nhà trường không thiếu những bài giảng giáo dục lòng tự hào dân tộc, chống mọi ách nô lệ của bất kỳ kẻ xâm lược ngoại bang nào, nhưng trớ trêu thay, ách nô lệ trong các biện pháp chính sách về quản lý khoa học và giáo dục (KH&GD) hầu như vẫn đè nặng trong xã hội. Ách nô lệ ấy không bị áp đặt bởi một kẻ ngoại bang cụ thể nào, mà nô lệ theo bản năng tự ti dân tộc và tự ti trong bản lĩnh chính trị của chính các nhà quản lý khoa học và giáo dục.
Có điều lạ, là cái tư tưởng nô lệ này được quán triệt từ vi mô đến vĩ mô, từ trong trong đầu mỗi cá nhân một cách rất tự giác, cho đến những cuộc thảo luận tập thể trên diễn đàn các quyết sách; từ anh nghiên cứu viên chân đất mới tập tễnh vào nghề, cho đến rất nhiều nhà nghiên cứu có hàm có vị cao ngất ngưởng, từ anh chuyên viên đang trong thời gian tập sự cho đến các quan chức quản lý cấp cao.
Tư tưởng nô lệ về KH&GD thể hiện rất đa dạng và sinh động. Sau đây, tôi xin liệt kê dăm ba sự kiện để làm ví dụ tham khảo. Có điều thú vị rằng, những sự kiện sẽ được nêu sau đây, thoạt nghe đều thấy rất đúng về mặt chủ trương, nhưng nghĩ sâu mới nhận ra sự thiếu tự tin trong tư duy chính sách và nhất là trong bản lĩnh chính trị. Đó là những chủ trương mang tư tưởng nô lệ rất nặng nề, cam phận đi sau thiên hạ về KH&GD, cam phận làm “nàng hầu” của chính trị, theo cách nói của nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng mà tôi đã được nghe ở đâu đó. Đáng buồn rằng, cái tư tưởng nô lệ ấy đang diễn ra và vẫn đứng “trơ gan cùngtuế nguyệt giữa thế giới đang không ngừng phát triển.
“Quy hoạch” trường/viện
Luật Khoa học Công nghệ và Luật Giáo dục đều có điều khoản về “Quy hoạch trường, quy hoạch viện và khi lập trường, lập viện phải theo quy hoạch”. Điều này mới nghe tưởng rất ngăn nắp, nhưng nghĩ kỹ thì rất có vấn đề. Bởi vì khoa học luôn có tính mới, mà quy hoạch là một phương án được xây dựng dựa trên sự hiểu biết về KH&GD ở một thời điểm cụ thể nào đó. Như vậy, giả dụ trường nào đó muốn mở ngành đào tạo về Công nghệ Nanô, hoặc một nhà vật lý nào đó muốn lập một viện về Công nghệ Nanô, là một ngành công nghệ mới, sẽ không được chấp thuận, vì chưa có trong quy hoạch.
Tóm lại, quy hoạch viện/trường, quy hoạch ngành đào tạo là tạo ra một dây thòng lọng để tự trói chân tay và thắt cổ mình.
Biên chế “cơ hữu”
Muốn mở ngành đào tạo, ngoài việc phải căn cứ quy hoạch, còn một điều kiện nữa, thoạt nghe tưởng rất đúng: đó là phải có một số nhân lực chuyên môn của ngành đó trong biên chế cơ hữu của đơn vị đào tạo. Điều này có nghĩa: Nước Việt Nam chỉ được đào tạo những ngành đã cũ, đã có sẵn chuyên gia.
Cách đây ít năm, tôi được biết Đại học Roskilde (Đan Mạch) có đào tạo tiến sỹ chuyên ngành Chính sách Công nghệ và Đổi mới (Technology Policy and Innovation), tôi đã đến tìm hiểu và dự các chuyên đề của lớp này một tuần. Điều tôi ngạc nhiên là nó chẳng giống gì ở ta cả: Giám đốc chương trình là một giáo sư được mời đến từ Thụy Điển; các vị giảng viên được mời đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Na Uy; chỉ có một ông giáo sư thuộc “biên chế cơ hữu” của Đại học Roskilde, nhưng lại là người Italia, đó là Giáo sư Bruno Amoroso, người đã nhiều lần đến Việt Nam và có thời đã có chương trình hợp tác với Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tôi hỏi đùa các vị ấy, làm thế nào xin cấp phép đào tạo khi các vị không có “biên chế cơ hữu”? Ông giám đốc chương trình cười rất hóm hỉnh “Đây là Đan Mạch, chứ không là Việt Nam”.
Xét cấp “mã ngành” đào tạo
Trường/viện của bạn muốn mở một ngành đào tạo? Vâng, xin mời đơn vị của bạn làm thủ tục với cơ quan quản lý để được cấp cái gọi là “Mã ngành”
Mã ngành là cái gì vậy?
Về hình thức đó chẳng qua là một dãy số ghi trên bìa khóa luận, luận văn, luận án. Tập hợp số ấy đi kèm với tên gọi của cái ngành mà đơn vị của bạn được cấp phép đào tạo.
Mã ngành được xây dựng căn cứ vào việc chuẩn hóa và thống nhất hóa một ngành đào tạo mà những người xây dựng nó căn cứ vào sự hiểu biết về những ngành sẵn có ở một thời điểm xác định. Nó được lưu giữ ở cơ quan quản lý, và các đơn vị đào tạo chỉ được đào tạo theo cái mã ngành đó thôi.
Quy trình này ngược. Đáng ra nơi nào đó muốn mở ngành đào tạo thì xây dựng chương trình, rồi đăng ký với cơ quan quản lý để được cấp “mã ngành”, giống như người ta vẫn làmở các nước có nền KH&GD phát triển.
Điều này giống hệt như khi người dân xây nhà và đến cơ quan quản lý đô thị để được cấp số nhà. Không thể có chuyện hài hước, là làm ngược lại, nghĩa là cơ quan quản lý bắt dân xây nhà chỉ theo những số nhà mà cơ quan quản lý quy định sẵn từ trước.
Quy chế “phong hàm” Giáo sư/Phó giáo sư
Có lẽ kịch tính bi hài đạt đến đỉnh điểm của tư tưởng nô lệ trong các chính sách KH&GD ở Việt Nam là việc phong hàm giáo sư/phó giáo sư (GS/PGS), nay đổi cách gọi, là “Công nhận chức danh GS/PGS”, nhưng về bản chất vẫn không đổi, cho nên nhiều người vẫn gọi là “Phong” GS/PGS.
Ở nước ta, bạn muốn được “phong” GS/PGS, bạn phải khai báo thành tích: đã đào tạo được bao nhiêu tiến sỹ, thạc sỹ (nghĩa là ngành cũ đã có sẵn), viết được bao nhiêu bài báo trên những tạp chí chuyên ngành (cũng là những ngành cũ đã có sẵn tạp chí), nghiên cứu được bao nhiêu đề tài, trong đó đề tài cấp nhà nước được đánh giá cao hơn cấp bộ, cấp bộ cao hơn cấp cơ sở. Còn những đề tài cấp cá nhân, như kiểu Học thuyết Tiến hóa của Darwin, hoặc Lý thuyết về Chu kỳ kinh tế của Kondriatev,[1] thì bị loại là cái chắc (!).
Như vậy, việc phong GS/PGS của Việt Nam cũng chỉ cho những ngành khoa học đã có sẵn, không có cách nào để có được chuẩn đánh giá các nhà nghiên cứu, mà các hiệu trưởng có thể mời về trường, bổ nhiệm GS/PGS để giúp nhà trường mở ra những ngành đào tạo mới. Đây là loại nô lệ về tư tưởng, là sự lệ thuộc, trông chờ vào những ngành có sẵn từ nước ngoài đưa về trong nước, mà không dám tự mình quyết định mở ngành mới hay không.
Không đi chệch “lập trường quan điểm”
Tính nô lệ ở đây đã được chính ông tổ Karl Marx cảnh báo từ hàng trăm năm trước trong những cơ sở lý thuyết về hình thái ý thức xã hội của ông.
Thế mà nó bị chính những người luôn cao giọng xưng là đồ đệ của chủ nghĩa Marx, vỗ ngực cho rằng mình thông thuộc thiên kinh vạn quyển viết về triết học Marxist.
Khi giảng về triết học Marxist, các giáo sư triết học giảng thao thao bất tuyệt về các hình thái ý thức xã hội, như là ý thức hệ chính trị, tôn giáo, khoa học, vân vân và vân vân. Các giáo sư triết học nói như … sách rằng, các hình thái ý thức xã hội phân biệt bởi chức năng xã hội và hình thức phản ánh, và rằng các hình thái ý thức xã hội mang tính độc lập tương đối, tương tác và không lệ thuộc lẫn nhau… Các giáo sư luôn lớn tiếng lên án Giáo hội đã mở phiên tòa xử tội Galileo vào năm 1633 vì ông đã dám viết cuốn sách Dialogo die Massimi Sistemi biện hộ cho thuyết nhật tâm của Kopernikus, chống lại thuyết địa tâm của Ptolemaios, mà Giáo hội đang sử dụng trong Kinh Thánh của mình. Giáo hội còn lên án một điều … “tệ hại” hơn nữa, là Galileo đã dám coi thường độc giả, viết sách bằng tiếng Ý, là thứ ngôn ngữ bình dân thô thiển, mà không viết bằng tiếng Latin, được xem là ngôn ngữ khoa học thánh hiền quý tộc thời đó.
Ấy thế mà giờ đây, các nhà … vẫn xưng là môn đệ của triết học Marxist đã đi theo vết xe đổ của Giáo hội ba thế kỷ trước, đưa luận văn khoa học của Nhã Thuyên và thầy trò Nhã Thuyên lên giàn thiêu, mà họ (có lẽ) không nắm được một sự kiện thú vị, rằng đến năm 1972, hơn ba trăm năm sau vụ án Galileo, Giáo hội đã lập một hội đồng xem xét lại vụ án Galileo, và đến 1992, Đức Giáo hoàng John Paul II đã long trọng ra quyết định xóa tội và phục hồi danh dự cho Galileo, với lời tuyên bố đầy xúc động rằng, Galileo là một con chiên ngoan đạo, là một tín đồ trung thành của Đức Chúa.
Các nhà chính trị hãy suy nghĩ kỹ, hãy noi gương tôn giáo, biết tôn trọng tính độc lập của khoa học, đừng để, như trường hợp Galileo, hơn ba trăm năm nữamới lập hội đồng phục hồi danh dự cho Nhã Thuyên và người hướng dẫn khoa học, là nhà giáo Nguyễn Thị Bình, là những “con chiên ngoan đạo” và “tín đồ trung thành” của Đức…Karl Marx.
Vài dòng kết luận
Tất cả những ví dụ liệt kê trên đây một lần nữa cho thấy một hệ thống quản lý  khoa học và giáo dục rất thiếu tự tin, và nói cách khác, là mang nặng tư tưởng nô lệ.
Con đường xóa bỏ các nghịch lý này chính là cải cách các chính sách quản lý vĩ mô, và đây chính là vấn đề của các nhà chính trị và các nhà quyết địnhchính sách KH&GD ở nước ta.
V. C. Đ.

[1] Kondriatev, sinh năm 1892, được nổi tiếng với Lý thuyết Chu kỳ Kinh tế, từng là Thứ trưởng Bộ Cung Ứng trong Chính phủ Kerenskij. Sau Cách mạng Tháng 10, ông là một trong những người xây dựng cơ sở lý thuyết cho Chính sách Kinh tế mới (NEP) của Lenin. Sau khi Lenin chết, ông bị Stalin quy là “Giáo sư của bọn Kulak” và xử án tù. Ông chết năm 1938.

No comments:

Post a Comment