Trang

Monday, April 8, 2013

Nhà văn Võ Thị Hảo: "Đây là thời cơ khiến cho Việt Nam có thể làm một cuộc thay đổi thần kỳ giống như nước Nhật trước đây"

Đọc:


Cập nhật: 15:35 GMT - chủ nhật, 7 tháng 4, 2013
Vụ án của ông Đoàn Văn Vươn
Vụ án Đoàn Văn Vươn bộc lộ mâu thuẫn sâu sắc giữa chính quyền và dân
Nhiều ngày qua, dư luận đã bày tỏ sự công phẫn về vụ oan án Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng.
Đây là một trong những vụ rất điển hình và bộc lộ mâu thuẫn đã tới mức “một mất một còn” của người dân và những kẻ lạm quyền. Sự tham lam vô độ đã dẫn tới sự hành xử tàn bạo của một số tổ chức và cá nhân có quyền lực trong thể chế độc đảng.
Vụ án nói trên bắt nguồn từ nỗi thống khổ của nông dân Việt Nam.
Tình trạng này bắt đầu từ Cải cách ruộng đất, khi người Việt Nam bị tước đoạt quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, để lại vô số đau thương oan khốc. .
“Củ cà rốt” mang tên “Người cày có ruộng” đã khiến hầu hết nông dân nức lòng, sẵn sàng nhường bát cơm cuối cùng của mình và tận hiến xương máu cho những người hứa hẹn.
Nhưng chỉ sau đó hai năm và cho đến tận bây giờ, kết cục là “củ cà rốt” bị thu lại. Người cày không có ruộng!
Từ đó, mọi hình thức cướp đoạt từ những kẻ lạm quyền đều có thể nhân danh “sở hữu toàn dân” để đẩy những nông dân bao đời lầm than xương máu trên những tấc đất của mình vào chỗ tay trắng, cam tâm nô lệ.
Trên đây chỉ mới đề cập một phần nỗi khổ của nông dân, chưa kể đến những tầng lớp khác.

'Ông vua và bộ sậu'

"Chúng tha hồ vét máu mỡ của dân để thỏa mãn lòng tham và chất lên vai nhân dân, đất nước những sưu cao thuế nặng và món nợ khổng lồ. Khi dân chỉ còn bộ xương, không còn gì để vét, tất nhiên chúng sẽ bán nước"
Thực trạng hơn nửa thế kỷ nay cho thấy, những hành vi trộm cướp bằng tham nhũng, lạm quyền, mua bán chức tước, chỗ làm, dùng nhiều xảo thuật để cấm đoán tự do ngôn luận, dùng các phương tiện truyền thông công cộng để vu cáo mạt sát những người dám nói lên sự thật, xử án theo kiểu “án bỏ túi”, theo “nén bạc đâm toạc tờ giấy”…đều được hợp thức hóa dưới hình thức “sở hữu toàn dân” và “chịu trách nhiệm tập thể”.
Điều này lại được củng cố và bảo vệ trong “bức màn sắt” khổng lồ: quy định về “chế độ sở hữu toàn dân” và đảng độc quyền lãnh đạo trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam.
Dân Việt Nam đã đổ quá nhiều máu để đánh đổ chế độ phong kiến và nô lệ. Nhưng dưới thể chế “sở hữu tập thể” thì sự cai trị lại theo kiểu nô lệ và phong kiến biến tướng. Thể chế ấy tạo ra cùng lúc vô số “ông vua” đè trĩu thêm tấm lưng vốn đã còng rạp của nhân dân. Những ông vua mới này có thể tha hồ hưởng thụ nhưng lại không phải chịu trách nhiệm cá nhân khi làm sai vì họ đổ cho tập thể.
Khốn thêm cho dân, dưới mỗi ông vua như vậy lại có một hệ thống bộ sậu tung tác, vượt quá tầm kiểm soát của pháp luật. Chúng tha hồ vét máu mỡ của dân để thỏa mãn lòng tham và chất lên vai nhân dân, đất nước những sưu cao thuế nặng và món nợ khổng lồ. Khi dân chỉ còn bộ xương, không còn gì để vét, tất nhiên chúng sẽ bán nước.
Để bảo vệ cho hệ thống đó, các biện pháp đàn áp ngày càng tăng, đặc biệt là trong những tháng đầu năm 2013 này. Người dân chết lặng trước cảnh tượng cả một vài chục công an đi hăm dọa để bắt những người lỡ quên đội mũ bảo hiểm. Ngày càng nhiều những cuộc giam giữ người không lệnh của tòa án. Nếu nạn nhân làm mếch lòng họ, nhiều khi sẽ bị đánh chết – theo kiểu “giết người tập thể” , “giết người diệt khẩu” ngay tại cơ quan công quyền đang trưng biển “dân chủ, do dân và vì dân”.
Ngay tại bệnh viện, nhiều bác sĩ và cơ quan giám định pháp y, cũng đã trở thành công cụ bao che cho đám trộm cướp và đại trộm cướp, bọn ác ôn và giết người tập thể…
Và đó là sự đại loạn mà những kẻ này tạo ra. Trong gia đình và xã hội VN, chưa bao giờ con người ta thản nhiên đánh đập giết chóc ngay cả người thân như bây giờ chỉ vì vài đồng tiền hoặc một cơn đòi hỏi không được thỏa mãn. Ngày càng tăng những vụ người cha ham hiếp con hoặc đập chết tươi đứa con vài tháng tuổi vì tiếng khóc vô tội của đứa con khiến hắn tỉnh ngủ, hoặc làm vậy chỉ để trả thù người mẹ không kịp đáp ứng đòi hỏi ích kỷ của ông ta!

'Độc tài tới quan tài'

Quan tài người dân
Nhiều vụ việc dân sự đã biến thành hình sự và nhiều vụ việc hình sự đã biến thái thành chính trị ở VN gần đây
Cách hành xử của hệ thống tham nhũng đã nêu chuẩn mực hành ác vô giới hạn trong xã hội để kiếm lợi.
Một khi còn “bức màn sắt” nói trên, người Việt Nam sẽ còn vô vàn đau khổ. Có luật pháp, nhưng hầu hết quan chức chính quyền đã bất chấp luật pháp vì họ không bị trừng phạt.
Nhiều người dân Việt Nam hiền hòa, vốn cam phận nô lệ, cho đến một ngày không thể chịu nổi cái chết oan khốc của người thân, đành đội khăn tang, làm một việc cực chẳng đã là mang thi thể người chết oan đến chầu chực trước cơ quan công quyền đề nghị giải oan cho nạn nhân.
Tầm ảnh hưởng của cái ác và nỗi oan cũng giống như sao Chổi. Dần dần, chiếc quan tài tự “mọc đuôi”, và kéo theo cả ngàn người có lương tri đi theo, bộc lộ một nguyện vọng hòa bình: sự thật cho người nằm xuống. Những người này không hề gây rối hay chống lại chính quyền. Họ hành xử theo đạo lý không thể thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Dân biết, trong những cuộc đàn áp khi họ đi đòi công lý, rất có thể chính họ lại phải nằm vào những chiếc quan tài.
Khi những đại diện của bộ máy tư pháp và hành pháp bỏ qua lương tri, luật pháp, chúng ta có thể thấy thể chế độc tài có thể tác oai tác quái đến mức nào.
Bản chất của độc tài không có gì khác, chỉ là để thỏa mãn lòng tham vô độ của một nhóm người bằng cách tạo nên một cơ chế quyền lực không giới hạn nhằm chiếm đoạt quyền lợi và thậm chí mạng sống của người khác. Lịch sử độc tài trên thế giới, từ Hít- le tới Stalin, Mao Trạch Đông, Pôn- pốt, là lịch sử nhiều núi xương sông máu do những kẻ và bè lũ đại ác chống lại loài người.
Theo nhà triết học vĩ đại Socrates, mẫu người độc tài là mẫu người chứa trong lòng đủ thứ thèm muốn, sẵn sàng thỏa mãn bất kể vi phạm quan hệ tự nhiên. Xảo trá, bất công, vô đạo, mẫu người này muốn là bạo chúa cai trị thành quốc chuyên chế. Và theo cuốn "Cộng hòa" của Platon thì “…Mẫu người chuyên chế là mẫu người tồi tệ, xấu xa nhất trần gian…”.
Loại Hiến pháp làm “bức màn sắt” che chắn cho sự độc tài- chỉ thừa nhận và bảo vệ quyền lợi cho một nhóm người trong một đảng duy nhất được quyền tồn tại, chỉ chiếm khoảng 3% dân số VN, chính là chiếc “quan tài bê tông” chôn chặt bình đẳng, tự do và công lý.
Với những ông vua và ông quan đang đắc chí hoành hành khi đương quyền chức, thì ngay khi hết thời – chính họ và con cháu họ cũng sẽ bị cầm tù trong chiếc “quan tài” ấy.

'Vùng cấm và quy kết'

"Ngay cả nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc còn bị triệu ra trước đài truyền hình Việt Nam trong một phóng sự đầy hàm ý mạt sát và đe dọa, thì danh dự và mạng thường dân còn mong manh tới mức nào?"
Khi công bố dự thảo sửa dổi Hiến pháp 1992 và kêu gọi toàn dân góp ý, ông Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo hiến pháp đã phát biểu với báo giới rằng “không có vùng cấm khi nhân dân góp ý sửa hiến pháp”. Nhưng sau đó, khi Kiến nghị “Hiến pháp 72” được một nhóm nhân sĩ trí thức soạn thảo không công, đầy tâm huyết, trình tận tay ban dự thảo và đưa lên mạng xã hội để toàn dân góp ý thì liền bị quy kết: …Góp ý cho hiến pháp đòi bỏ điều 4, đa nguyên chính trị, tam quyền phân lập, phi chính trị hóa quân đội là suy thoái đạo đức, tư tưởng… cần phải xử lý….
Sau lời phát biểu của những vị lãnh đạo cao nhất và những hành vi hàm chứa răn đe, bội tín lời kêu gọi toàn dân góp ý và không có vùng cấm trước đây, liệu còn ai dám nói thật khi góp ý hay biểu quyết trước chính quyền? Ngay cả nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc còn bị triệu ra trước đài truyền hình Việt Nam trong một phóng sự đầy hàm ý mạt sát và đe dọa, thì danh dự và mạng thường dân còn mong manh tới mức nào?
Và như thế, với bộ máy đàn áp hiện nay, chính quyền Việt Nam hoàn toàn có thể làm được việc mang bản dự thảo hiến pháp có điều 4 quy định sự tồn tại độc tôn của Đảng cộng sản đến tận từng nhà, yêu cầu nam phụ lão ấu cho tới những kẻ tâm thần cũng có thể ký tên ủng hộ bản này. Có thể do sợ hãi, do muốn cho xong chuyện, có khi cũng do tự nguyện, cầm chắc là chính quyền có thể lấy được tới hơn 90% chữ ký đồng ý trong một vài ngày. Thậm chí, đem bản đó ra trưng cầu dân ý, với cái dùi cui và khẩu súng vô hình sau lưng dân, cũng có thể đạt được tới con số ủng hộ gần tuyệt đối.
Số người ký tên và ủng hộ dự thảo “Kiến nghị Hiến pháp 72”, hiện nay được công bố là khoảng 12.000 người. Con số này có thể bị thấp xuống sau khi có một số người do bị vận động, bị đe dọa không dám nhận là mình đã ký, so với hơn 90% kia chỉ như muối bỏ biển.
Lại tuyệt đại đa số! Như tất cả mọi cuộc bầu cử ở Việt Nam, cứ như có phép phù thủy, đều theo đúng ý lãnh đạo.

'Tôi đồng ý từ trần'

Chính trị Việt Nam
Đảng cộng sản dường như vẫn chưa muốn chia sẻ hoặc rời bỏ quyền lực trong giai đoạn tới đây
Con số mất rất nhiều tiền bạc và dụng công đó không thể giúp những nhà lập pháp Việt Nam thoái thác trách nhiệm trước nhân dân và thời đại. Và thế không có nghĩa là những người chịu trách nhiệm có thể trốn sau những con số đó, đổ tại “ý dân” khi ký ban hành cho một Hiến pháp chống lại chính người Việt Nam và tiếp tục kéo dài “bệnh ung thư” cũng như “tử huyệt” của chế độ.
Trách nhiệm của bộ máy lập pháp là bằng mọi cách, phải tìm tới một hiến pháp làm nền tảng của thể chế tiến bộ, công bằng, bình đẳng, tôn trọng quyền con người để tạo đà cho đất nước phát triển.
Đó là món nợ cực lớn mà những nhà lập pháp đang có cơ hội trả lại cho Tổ quốc mình trong danh dự.
Trên thực tế, rất nhiều người Việt Nam, kể cả trong tầng lớp trí thức, đã không quan tâm, không hiểu về hiến pháp cũng như kiến thức lập pháp.
Cũng như do không am hiểu từ Hán – Việt, nhiều công nhân, nông dân, người dân tộc thiểu số, nếu đưa cho họ một văn bản đại loại: “tôi đồng ý từ trần” và yêu cầu ký vào, thì vẫn có thể nhởn nhơ cười mà ký vì họ không hiểu “đồng ý từ trần” nghĩa là “đồng ý chết” – ký vào bản án tử hình chính mình.
Không thể đòi hỏi người dân ai cũng phải biết “từ trần nghĩa là chết”. Và không thể vì họ không hiểu mà lừa dối để hưởng lợi từ cái chết của họ.
Về hiến pháp cũng vậy, do hoàn cảnh và sự chuyên môn hóa, dân không nhất thiết am hiểu sâu về những vấn đề đó, vì họ đã trả tiền thuê bộ máy lập pháp, tư pháp và hành pháp bảo vệ quyền lợi của họ. Hay dở là thuộc về trách nhiệm của những người lập pháp.
Tương tự như một người tiêu thụ điện không cần phải biết về máy phát điện, bởi họ đã trả tiền cho người vận hành.
Bộ máy lập pháp không có quyền lừa dối người dân qua việc vận động, yêu cầu, đe dọa ngầm để họ ký tên vào nhằm hợp thức hóa“chiếc quan tài” chôn vùi quyền con người và tương lai của chính họ và con cháu họ.

'Công trạng hay tội ác?'

"Nếu Quốc hội đưa ra một Hiến pháp tước đoạt quyền tự do của nhân dân, hạn chế xã hội phát triển thì đương nhiên, không những chịu mang tiếng là tăm tối, mà còn phạm tội ác chống lại nhân dân"
Không thể mãi chôn chặt người Việt Nam trong những hiến pháp “quan tài”.
Hãy xem những hiến pháp, những văn bản cam kết tốt nhất của các chính thể trên thế giới, những bộ luật tiến bộ, được làm ra thế nào?
Những người nô lệ trên thế giới này được giải phóng không vì vì tất cả họ đều có chữ ký ủng hộ cuộc giải phóng nô lệ. Tất cả đều bắt đầu từ đạo lý làm người và một số thủ lĩnh, trí thức ưu tú đứng ra góp ý, soạn thảo, nhà cầm quyền ở thời điểm đó đã sáng suốt tiếp thu được ý kiến tốt nhất cho quyền lợi của nhân dân và đất nước họ. Hiến pháp 1946 – hiến pháp tiến bộ nhất của Việt Nam cho đến nay- cũng được soạn thảo không ngoài phương thức ấy.
Bởi thế, chính Quốc hội phải thực lòng cầu thị, dùng mọi biện pháp khuyến khích những gợi ý, những bản Hiến pháp tốt nhất kể cả trái ý mình.
Nếu Quốc hội đưa ra một Hiến pháp tước đoạt quyền tự do của nhân dân, hạn chế xã hội phát triển thì đương nhiên, không những chịu mang tiếng là tăm tối, mà còn phạm tội ác chống lại nhân dân.
Đây là thời cơ khiến cho Việt Nam có thể làm một cuộc thay đổi thần kỳ giống như nước Nhật trước đây từ chỗ đại bại ở thế chiến II, sau một thời gian ngắn áp dụng hiến pháp mới, xây dựng thể chế tiến bộ, tự do ngôn luận và dân chủ, đã trở thành nền kinh tế mạnh thứ ba thế giới, xây dựng được một xã hội trong sạch, con người tự trọng, gần như không có trộm cắp, tồn tại bền vững hơn nửa thế kỷ nay dù phải trải qua sự tàn phá của sóng thần hủy diệt và vô số trận động đất.

'Công việc cấp bách nhất'

Chính trị Việt Nam
Có vẻ như Đảng và chính quyền đang phải đối đầu ngày càng nhiều với các áp lực cải tổ chính trị
Công việc cấp bách và quan trọng nhất có thể làm ngay là sửa đổi Hiến pháp hiện hành để chữa lỗi tử huyệt của hệ thống và cho tương lai của tất cả mọi người dân Việt Nam.
Đó chính là phương án ưu việt nhất, hòa bình và nhẹ nhàng nhất. Không ai phải đổ máu cho cuộc thay đổi này.
Khi lỗi hệ thống được sửa chữa, xóa bỏ độc tài thì mới thực sự đoàn kết và hòa giải được những người con của dân tộc Việt Nam, xóa được tình trạng dù đất nước thống nhất mấy chục năm vẫn bị chia rẽ, người Việt Nam vẫn phải tha phương bởi nghèo đói, không việc làm, nhất là bởi những định kiến và cách hành xử bất tín, thù địch.
Sự hòa giải tự nhiên ấy sẽ tạo thành một sức mạnh thống nhất cho dân được sống trong tự do và an lạc. Khi đó đất nước này mới trở lại là tổ ấm che chở, chốn nương náu đương nhiên cho mọi người con VN, không phải chỉ cho một nhóm người nào đó. Bởi thế mới đúng chức năng tự nhiên và thiêng liêng của khái niệm “Tổ quốc” .
Cũng chỉ như thế mới có thể đoạn tuyệt với nạn bán nước từ trong bộ máy, gỡ bỏ họa xâm lăng đang như một chiếc thòng lọng từng ngày thít chặt dần đất nước Việt Nam.
Công trạng hay tội ác? Tất cả đang theo dõi sự hành xử của Quốc hội.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả là nhà văn, nhà báo, họa sỹ đang sinh sống tại Hà Nội.

No comments:

Post a Comment